Lao động nữ đang mang thai có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Đang mang thai có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Người phụ nữ mang thai sẽ có nhiều biến đổi về sinh lý, sức khỏe. Bên cạnh đó sau khi sinh phụ nữ lại cần có thời gian nghỉ ngơi khá dài để chăm sóc con nhỏ điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy đang mang thai có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

1. Quy định về bảo vệ thai sản theo Bộ luật lao động 2019

Việc giao kết hợp đồng lao động mang đến lợi ích cho người sử dụng lao động và cả người lao động. Sau khi ký hợp đồng lao động cả hai bên phải tuân thủ các thỏa thuận trong hợp và buộc phải tuân thủ Pháp luật về lao động.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản như sau:

“3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.”

Theo quy định này, lao động nữ mang thai sẽ được bảo vệ quyền lợi. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trừ các trường hợp:

  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết 
  • Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Theo đó thể khẳng định việc mang thai không là nguyên nhân để người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động. Việc chấm dứt hợp đồng lao động phải do các nguyên nhân khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động  

Bên cạnh nguyên nhân đến từ người sử dụng lao động đã nhắc đến ở trên vẫn còn các nguyên nhân khác đến từ người lao động mang thai mà người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Lao động nữ đang mang thai có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?
Các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 36, Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động mang thai thuộc các trường hợp sau:

  • Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. 
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
  • Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
  • Người lao động cung cấp không trung thực thông tin (về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu). 

Ngoài ra, nguyên nhân do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc thì người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mang thai.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất từ 3 ngày đến 45 ngày theo quy định tại Khoản 2, Điều 36, Bộ luật này.

Như vậy có thể kết luận:

Người lao động đang mang thai sẽ không bị chấm dứt hợp đồng lao động nếu không thuộc các trường hợp đã nêu tại Điều 36, Bộ luật Lao động 2019 và các trường hợp loại trừ nêu tại Điều 137, Bộ luật Lao động 2019. Việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không thuộc các trường hợp đã nêu tại bài viết được cho là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, theo đó người sử dụng lao động sẽ phải chịu đền bù theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi tiêu đề bài viết : Lao động nữ đang mang thai có bị chấm dứt hợp đồng lao động không? Cộng đồng bảo hiểm mong rằng những chia sẻ trên đây có thể hữu ích đối với bạn.

TIN LIÊN QUAN

Tài Phạm

Biên tập viên nội dung và SEO website ebh.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *