Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những quyền lợi quan trọng của người lao động khi tham gia vào thì trường lao động và được Pháp luật bảo vệ. Vậy chế độ Bảo hiểm thất nghiệp là gì? dưới đây là 5 điều người lao động cần ghi nhớ.
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 3 Luật việc làm năm 2013,
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp thu nhập một phần cho người lao động khi bị mất việc làm. BHTN hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm, căn cứ vào quỹ đóng BHTN.
Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước nhằm mục tiêu thực hiện an sinh xã hội, không vì lợi nhuận. Nhờ có BHTN mà nhiều người lao động được hỗ trợ đáng kể khi bị mất việc làm.
Các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp
- Trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ học nghề.
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu, tìm việc làm.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đối tượng tham gia BHTN bắt buộc
Theo Điều 43 Luật việc làm 2013, các đối tượng phải đóng BHTN gồm có người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể:
Người lao động:
- Đã ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ 3 tháng tới dưới 12 tháng.
Người sử dụng lao động:
- Các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo Luật việc làm năm 2013 và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, lao động muốn được hưởng BHTN cần có các điều kiện:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đóng BHTN tối thiểu 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hoặc 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động mùa vụ hoặc công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm trong 3 tháng kể từ ngày kết thúc hợp đồng.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN.
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 50 của Luật việc làm 2013:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Kết luận
Như vậy bài viết trên đây cộng đồng bảo hiểm đã giới thiệu đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện hành. Hy vọng rằng bài viết trên đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.
TIN LIÊN QUAN
- Quyền lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
- Làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ở đâu?
- Người lao động nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
- Làm bảo hiểm thất nghiệp cần những gì?
- Hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
- Điều kiện và cách tính mức hưởng trợ cấp mất việc