Bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Người lao động muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp hoặc cần hỗ trợ việc làm thì phải làm như thế nào? Dưới đây là những thông tin mà người lao động cần lưu ý để đảm bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp mất việc làm.
Địa chỉ bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ đặc biệt dành cho người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc. BHTN nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hiện, cơ quan bảo hiểm thất nghiệp được thành lập dưới dạng Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 5432/QĐ-UBND ngày 04/11/2014 của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức lại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành Phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành Phố. Trụ sở Trung tâm đặt tại: số 153 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hồ chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc, Ngân hàng Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật. Ngoài ra trung tâm được giao tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006.
Địa chỉ nơi đăng ký BHTN tại tp Hồ Chí Minh
Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ sở được mở để đáp ứng nhu cầu giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các quận. Người lao động có thể đến tại các trụ sở sau để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp:
- Trụ sở trung tâm đặt tại: Số 153 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh;
- Website trung tâm dịch vụ việc làm HCM: http://www.vieclamhcm.net/
- Trụ sở tại Củ Chi: số 108 đường Phạm Thị Lòng (đường 458 cũ), Ấp Thạnh An, Xã Trung An, Huyện Củ Chi; thành phố Hồ Chí Minh;
- Trụ sở Quận 12: số 802 Nguyễn Văn Quá, Phường Đông Hưng Thuận, Quận 12;
- Trụ sở Quận Tân Bình địa chỉ: số 456 đường Trường Chinh, Phường 13, Quận Tân Bình; thành phố Hồ Chí Minh;
- Trụ sở tại Quận 4: số 249 Tôn Đản, Phường 15, Quận 4; thành phố Hồ Chí Minh;
- Trụ sở tại Quận 6: số 743/34 Hồng Bàng, Phường 6, Quận 6; thành phố Hồ Chí Minh;
- Trụ sở tại Thủ Đức địa chỉ: số 1, đường số 9, Phường Phước Bình, Thành phố Thủ Đức;
>>> Điểm tiếp nhân hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh
Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố hồ chí minh
Căn cứ vào Điều 2, Quyết định số 5432/QĐ-UBND ngày 04/11/2014 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“1. Nhiệm vụ:
a) Hoạt động tư vấn, bao gồm:
– Tư vấn học nghề cho người lao động về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng;
– Tư vấn việc làm cho người lao động về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước;
– Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng lao động và phát triển việc làm;
– Tư vấn về chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.
b) Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:
– Giới thiệu người lao động cần tìm việc làm với người sử dụng lao động cần tuyển lao động;
– Cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
– Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;
– Giới thiệu, cung ứng lao động cho đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
c) Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động;
d) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật;
đ) Hỗ trợ người lao động trong trường hợp chuyển từ nghề này sang nghề khác, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, di chuyển ra nước ngoài làm việc và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật;
e) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm;
g) Tổ chức thực hiện chương trình việc làm của Thành phố theo kế hoạch được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao hàng năm;
h) Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
i) Thực hiện dịch vụ lao động cho các văn phòng đại diện, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố;
k) Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền hạn:
a) Ký kết hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
b) Khai thác thông tin về lao động, việc làm và dạy nghề;
c) Phát hành ấn phẩm và đăng tải bản tin về thông tin thị trường lao động theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về tình trạng việc làm của người lao động do Trung tâm giới thiệu hoặc cung ứng lao động;
đ) Thu phí theo quy định của pháp luật về phí;
e) Tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật;
g) Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, người lao động gặp phải vướng mắc nào có thể trực tiếp đến trụ sở để được hướng dẫn và giải quyết.
Hồ sơ và thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
Trường hợp người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp cần đảm bảo đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 49, Luật Việc làm 2013. Sau đó, người lao động mới tiến hành làm hồ sơ và thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: Trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc/sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Sổ bảo hiểm xã hội đã được cơ quan BHXH Quận/Huyện/Thành phố chốt thời gian đóng BHTN, BHXH.
Bên cạnh đó bạn bổ sung hồ sơ 2 ảnh 4×6 hoặc 3×4 và khi đi mang theo bản sao chứng thực giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân và bản gốc để đối chiếu thông tin.
Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 46, Luật Việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc người lao động phải nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Sau khi nhận hồ sơ trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả và gửi phiếu cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ không đủ theo quy định thì trả lại cho người nộp và nêu rõ lý do.
Thời gian giải quyết hồ sơ:
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Nhận quyết định chi trả:
Trường hợp hồ sơ được thông qua, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả người lao động phải đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho NLĐ kèm theo thẻ BHYT
Thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng:
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng thứ 2 trở đi cần lưu ý:
- Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ đầu tiên của tháng thứ 2 hưởng trợ cấp, người lao động phải nộp Mẫu số 16 ban hành kèm Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH – thông báo về việc tìm việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (quy định tại Điều 10, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015). Trường hợp
- Người lao động không thực hiện thông báo cơ quan BHXH sẽ ngừng chi trả trợ cấp thất nghiệp từ tháng đó.
Trên đây là thông tin về địa chỉ bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Người lao động lưu ý để có thể làm thủ tục nhanh chóng bảo vệ lợi ích cho mình.
TIN LIÊN QUAN
- Làm bảo hiểm thất nghiệp cần những gì?
- Hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
- Trợ cấp mất việc – điều kiện và cách tính mức hưởng mới nhất
- Các điểm hỗ trợ làm Bảo hiểm thất nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
- Điểm tiếp nhân hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh
- Điểm tiếp nhận hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp quận Tân Bình, HCM