Bảo hiểm tai nạn lao động là gì? 4 điều người lao động cần ghi nhớ

Bảo hiểm tai nạn lao động là một trong những chế độ đặc biệt khi tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động được hưởng những quyền lợi nhất định khi không may xảy ra rủi ro về tai nạn lao động dẫn đến bị thương hoặc bị các bệnh do tai nạn gây ra.

Đối tượng áp dụng bảo hiểm tai nạn lao động

Căn cứ theo Điều 43, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Cụ thể đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN là người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h Khoản 1, Điều 2, và người sử dụng lao động quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Các đối tượng bao gồm: 

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Lực lượng quân đội, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, học viên quân đội, công an, cơ yếu…. 
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
  • Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động

Căn cứ theo Điều 45, Luật an toàn vệ sinh lao động, người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp

  • Bị tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc. 
  • Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
  • Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Suy giảm khả năng lao động

  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn đã nêu tại mục (1).

Trường hợp không được hưởng chế độ

NLĐ bị tai nạn lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Khoản 1, Điều 40 của Luật an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể: 

  • Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
  • Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
  • Tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp chi trả những khoản nào?

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động chi trả các khoản nào 

Căn cứ theo Điều 42, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sử dụng để chi trả các khoản sau:

  1. Chi trả trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
  2. Chi trả hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
  3. Chi trả chi phí dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
  4. Chi trả hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN.
  5. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc.
  6. Chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ-BNN
  7. Chi đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN hằng tháng.
  8. Chi trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do TNLĐ-BNN đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng; trả phí khám giám định đối với trường hợp NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN.

Mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp

Căn cứ vào từng trường hợp người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp dưới hình thức trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng. 

Trường hợp hưởng trợ cấp một lần

Theo quy định tại Điều 48, Luật An toàn vệ sinh lao động, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

  • NLĐ suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
  • Được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Thời gian đã đóng vào quỹ từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Nếu NLĐ bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng 

Căn cứ theo quy định tại Điều 49, Luật An toàn vệ sinh lao động NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

  • NLĐ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
  • Hằng tháng NLĐ còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Nếu NLĐ bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Kết luận

Để tham khảo thêm các thông tin liên quan đến chế độ tai nạn lao động, NLĐ có thể tham khảo thêm thông tin tại Nghị định số 88/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020.

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây, congdongbaohiem có thể mang đến cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích nhất.

TIN LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.