Khi nghỉ việc, người lao động vẫn có thể hưởng một số quyền lợi nhất định từ Bảo hiểm xã hội. Các quyền lợi này tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm, tuổi tác và lý do nghỉ việc. Dưới đây là thông tin chi tiết một số quyền lợi bảo hiểm xã hội mà người lao động có thể được hưởng.
1. Bảo hiểm xã hội là gì và 2 hình thức tham gia BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (theo Khoản 1, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội).
Có hai hình thức tham gia BHXH là BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Trong đó, BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia còn BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
- 5 chế độ BHXH bắt buộc gồm có: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp; hưu trí; chế độ tử tuất.
- 2 chế độ của BHXH tự nguyện gồm: hưu trí; tử tuất.
2. Quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc
Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ có rất nhiều quyền lợi khi nghỉ việc. Các quyền lợi bao gồm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), quyền lợi về bảo hiểm xã hội 1 lần, bảo lưu thời gian đóng BHXH, quyền lợi hưởng lương hưu, và bảo hiểm y tế (BHYT)…
2.1 Hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm, đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 49, Luật Việc Làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
- Mức hưởng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Mức hưởng không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Lưu ý: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo số tháng đóng BHTN như sau:
- Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp,
- Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
2.2 Hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Bên cạnh việc hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động còn được hưởng BHXH 1 lần nếu có nhu cầu. Điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Mức hưởng BHXH một được tính theo số năm đã đóng BHXH. Cứ mỗi năm được tính như sau:
- Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Lưu ý:
- Người lao động không được hưởng BHXH ngay nếu không thuộc trường hợp đặc biệt (ra nước ngoài sinh sống, mắc các bệnh hiểm nghèo…) mà chỉ được hưởng sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH.
- Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
2.3 Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi nghỉ việc sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Cụ thể tại Điều 61, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng BHXH như sau:
“Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.
Việc bảo lưu thời gian đóng BHXH nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho người tham gia, khi có điều kiện người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH và cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm trước đó để hưởng các chế độ như lương hưu, bảo hiểm y tế khi về già.
2.4 Hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí
Người lao động khi nghỉ việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa bổ sung tại Điều 219, Bộ luật lao động 2019) thì được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hưởng lương hưu.
Mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính theo quy định tại Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể như sau:
Mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
- Sau đó cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH, người lao động nêu trên được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Ngoài ra, người lao động cần lưu ý tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm nếu nghỉ hưu trước tuổi. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trên đây là quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc. Người lao động cần lưu ý việc hưởng BHXH một lần người lao động sẽ có thể mất đi cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng và BHYT miễn phí khi về già.
Cộng đồng bảo hiểm hy vọng những thông tin trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.
Thu Hương
Xem thêm bài viết của cùng tác giả!
- Có được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi ngừng đóng chưa đủ 1 năm?
- Làm bảo hiểm y tế ở đâu? Hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng
- Bảo hiểm sinh đẻ: điều kiện và quyền lợi hưởng
- Hướng dẫn quy đổi lương gross sang lương net
- Quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc của người lao động
- Quy định rút bảo hiểm xã hội có cần giấy tạm trú không?