Cách tính bảo hiểm xã hội một lần năm 2021 như thế nào nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Trong nhiều trường hợp, tính toán mức hưởng BHXH 1 lần sẽ giúp người lao động ra những quyết định có lợi nhất cho mình về việc tiếp tục đóng BHXH hoặc không đóng BHXH.
Quy định về cách tính BHXH một lần
Để tính bảo hiểm xã hội 1 lần người lao động cần nắm được thời gian tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương đóng BHXH của mình. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định mức hưởng BHXH một lần như sau:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Công thức tính mức hưởng BHXH 1 lần:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x T1) + (2 x Mbqtl x T2) |
Trong đó:
– Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– T1: Thời gian đóng BHXH trước năm 2014 (tính theo năm)
– T2: Thời gian đóng BHXH sau năm 2014
Trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là ½ năm, từ 07 – 11 tháng được tính là 01 năm. Trường hợp tính đến trước 01/01/2014 nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ 01/01/2014 trở đi.
Cách tính mức bình quân tháng đóng BHXH
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 9, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 20, Thông 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Công thức tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Công thức tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cụ thể như sau:
Mbqtl = (Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH hàng năm) / Tổng số tháng đóng BHXH |
Đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện công thức tính tương tự tuy nhiên tiền lương tháng đóng BHXH sẽ được thay thế bằng mức thu nhập tháng đóng BHXH.
Mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH
Theo Điều 2, Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/12/2020, mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, áp dụng từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021 được quy định như bảng sau:
Năm | Trước 1995 | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 |
Mức điều chỉnh | 5,01 | 4,25 | 4,02 | 3,89 | 3,61 | 3,46 | 3,52 | 3,53 | 3,40 | 3,29 | 3,06 | 2,82 | 2,62 | 2,42 |
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Mức điều chỉnh | 1,97 | 1,84 | 1,69 | 1,42 | 1,30 | 1,22 | 1,18 | 1,17 | 1,14 | 1,10 | 1,06 | 1,03 | 1,00 | 1,0 |
Mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH áp dụng đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Điều 3, Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/12/2020, mức điều chỉnh thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021 được quy định như bảng sau:
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 |
Mức điều chỉnh | 1,97 | 1,84 | 1,69 | 1,42 | 1,30 | 1,22 | 1,18 |
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Mức điều chỉnh | 1,17 | 1,14 | 1,10 | 1,06 | 1,03 | 1,00 | 1,00 |
Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện và tiền lương tháng đã đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần được tính theo quy định tại Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Xem thêm >> Rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần nên hay không? Tại sao?
Kết luận
Như vậy trong bài viết trên đây congdongbaohiem đã gửi đến độc giả thông tin mới nhất về cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật. Hy vọng rằng với những chia sẻ trong bài viết bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích nhất.
Nếu độc giả cần tư vấn, giải đáp thắc mắc hãy để lại lời nhắn dưới bài viết này để được hỗ trợ tốt nhất.
TIN LIÊN QUAN
- Người tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?
- Quyền lợi hưởng chế độ nghỉ thai sản của chồng có vợ sinh con
- Hướng dẫn cách tra cứu mã hộ gia đình nhanh, chính xác
- Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH được ghi tối đa bao nhiêu ngày?
- Cách tra cứu Cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất
- Có được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi ngừng đóng chưa đủ 1 năm?