Không đóng BHXH bắt buộc có được công ty trả thêm tiền

Đóng bảo hiểm xã hội mang đến rất nhiều lợi ích cho người lao động, tuy nhiên tiền lương cũng là yếu tố được nhiều lao động quan tâm. Vậy không đóng BHXH bắt buộc có được công ty trả thêm tiền hay không? Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp người lao động hiểu rõ hơn.

1. Quy định về đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người lao động làm việc ở đơn vị, doanh nghiệp là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Người quản lý doanh nghiệp.

Theo quy định trên, đa phần người lao động làm việc tại công ty theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có được công ty trả thêm tiền?

Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có được công ty trả thêm tiền là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Nhiều lao động chưa nhận thức rõ được lợi ích của bảo hiểm xã hội do đó muốn nhận thêm tiền thay vì đóng BHXH. Trên thực tế, việc có được công ty trả thêm tiền không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có:

  • Người lao động thuộc đối tượng nào
  • Thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.

2.1 Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc 

Theo quy định hiện hành, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ bắt buộc đóng BHXH (theo Điều 168, Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN). Việc không đóng BHXH bắt buộc sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Hình thức phạt được áp dụng cho cả người lao động và người sử dụng lao động (công ty) căn cứ vào Khoản 1, Khoản 5 và Khoản 6, Điều 38, Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Cụ thể như sau:

  • Đối với người lao động: Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
  • Đối với người sử dụng lao động: 
  • Phạt tiền từ 18% – 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Phạt tiền từ 50.000.000 – 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.2 Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc 

Bên cạnh các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, các đối tượng không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc có thể được người sử dụng lao động trả thêm tiền gộp với tiền lương. Cụ thể đối tượng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có:

(1) Người giúp việc thỏa mãn điều kiện sau: 

  • Làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng
  • Hoặc làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

(2) Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp hằng tháng (quy định tại Khoản 4, Điều 4, Quyết định 595/QĐ-BHXH).

Mức tiền trả thêm sẽ theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động tính toán dựa trên mức đóng BHXH của người sử dụng lao động cho người lao động theo tỷ lệ phần trăm của mức lương tính đóng BHXH như sau:

  • Mức đóng quỹ hưu trí: 14%;
  • Mức đóng quỹ ốm đau – thai sản: 3%;
  • Mức đóng quỹ BHYT: 3%.
  • Mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp: 1%;
  • Mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5 (trường hợp được giảm trừ là 0,3%).

Như vậy, tổng mức tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động được tính bằng mức lương tính đóng BHXH nhân với  21,5%.

Tham gia BHXH bắt buộc người lao động sẽ được nhận rất nhiều lợi ích như: được hưởng lương hưu khi về già; hưởng chế độ ốm đau, thai sản; hưởng chế độ tai nạn bệnh nghề nghiệp hay có chế độ tuất… Người lao động lưu ý ký hợp đồng lao động để được tham gia bảo hiểm xã hội bảo vệ lợi ích của mình.

Cộng đồng bảo hiểm hy vọng những thông tin trên là hữu ích đối với bạn.

Thu Hương

Có thể bạn quan tâm!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.