Đối tượng và mức hưởng Bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số

chế độ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và cả điều kiện chăm sóc sức khỏe. Bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây, nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn. Vậy, cụ thể các chính sách bảo hiểm y tế hiện nay như thế nào? 

Đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số

Căn cứ theo quy định tại Tiết 2, Khoản 3, Điều 12, Luật bảo hiểm y tế quy định về nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) quy định như sau:

“2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:

………

h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;”

Tiết 2, Khoản 3, Điều 12, Luật bảo hiểm y tế

Như vậy người dân tộc thiểu số thuộc các trường hợp sau sẽ thuộc nhóm tham gia BHYT do BHXH đóng:

  1. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; 
  2. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Trường hợp người dân tộc thiểu số không thuộc các trường hợp nêu trên sẽ không thuộc nhóm đối tượng do tổ chức BHXH đóng. Và đây cũng là điều kiện để người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Theo quy định UBND xã có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hằng năm gửi cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát, xác định đúng đối tượng được cấp thẻ BHYT.

Mức hưởng Bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số

Chế độ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số được đặc biệt ưu tiên không chỉ về mức hưởng mà còn cả điều kiện khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác.

Mức hưởng khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến

Mức hưởng bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quy định tại  Khoản 1, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. 

chế độ khám chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số.
Trẻ em dân tộc thiểu số được bác sĩ khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, trường hợp là đối tượng dân tộc thiểu số nhưng không thuộc trường hợp nêu trên mà tham gia liên tục trong 05 năm và có giấy chứng nhận cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, mức hưởng của các đối tượng người dân tộc thiểu số nêu trên sẽ tăng lên 100% chi phí khám chữa bệnh.

Mức hưởng khi đi khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến

Khác với các đối tượng tham gia BHYT khác, người dân tộc thiểu số khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi hưởng (Quy định tại Khoản 5, Điều 22, Luật bảo hiểm y tế) và được coi như là đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Cụ thể như sau:

“5. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Ngoài ra, các trường hợp là người dân tộc thiểu số không thuộc các trường hợp nêu trên khám chữa bệnh không đúng tuyến nhưng là cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến bệnh nhân được hưởng giống như khám chữa bệnh đúng tuyến.

Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số 

Căn cứ theo quy định tại Mục 4, Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, các loại giấy tờ làm căn cứ để cấp lại, điều chỉnh thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo bao gồm: 

  • Sổ hộ khẩu; 
  • Sổ tạm trú; 
  • Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi có đối tượng cư trú;
  • Thẻ BHYT (bản photo) của những người trong hộ khẩu để xác định việc giảm trừ mức đóng (trường hợp tham gia BHYT tự nguyện);
  • Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS).

Bên cạnh đó, trường hợp người đăng ký tham gia BHYT tự nguyện cần mang theo chứng minh thư/thẻ căn cước bản gốc để đối chiếu thông tin. Trong trường hợp không nộp đủ các giấy tờ cần thiết có thể mức hưởng của thẻ BHYT sẽ không tối ưu.

Lời kết

Bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số là vô cùng cần thiết, hỗ trợ người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời giảm đi gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp gặp rủi ro. Các giải pháp tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đang được đẩy mạnh. Song song với đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người dân tộc thiểu số, thực hiện bao phủ BHYT để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Hy vọng rằng với những chia sẻ từ congdongbaohiem.net có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.

TIN LIÊN QUAN

Tài Phạm

Biên tập viên nội dung và SEO website ebh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.