Làm bảo hiểm y tế ở đâu? Hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng

Làm bảo hiểm y tế ở đâu? Tùy thuộc vào đối tượng và hình thức tham gia bảo hiểm y tế mà người dân sẽ thực hiện thủ tục tham gia tại các địa điểm khác nhau. Những thông tin dưới đây sẽ giúp người tham gia hiểu rõ hơn.

1. Bảo hiểm y tế là gì? Các hình thức tham gia bảo hiểm y tế

Căn cứ theo quy định của Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định bảo hiểm y tế (BHYT) như sau:

“Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”

Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng cho các đối tượng quy định tại luật Bảo hiểm y tế. 

Các hình thức tham gia bảo hiểm y tế gồm:

  • Bảo hiểm y tế bắt buộc: dành cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên…
  • Bảo hiểm y tế tự nguyện: người lao động tự do, người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình

2. 06 nhóm đối tượng tham gia BHYT 

Hiện có 06 nhóm tham gia BHYT bao gồm:

1) Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; 

2) Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; 

3) Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; 

4) Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; 

5) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; 

6)Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng tham gia BHYT, mà người tham gia thực hiện làm BHYT theo quy định.

3. Người dân làm bảo hiểm y tế ở đâu?

Hiện nay, việc tham gia BHYT được quy định áp dụng với từng đối tượng tham gia. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người tham gia sẽ làm bảo hiểm ở các địa điểm khác nhau theo quy định.

3.1 Làm bảo bảo hiểm y tế tại cơ quan BHXH, đại lý thu nơi người tham gia BHYT cư trú hoặc tạm trú

Theo quy định những đối tượng sau sẽ làm bảo hiểm y tế tại cơ quan BHXH, đại lý thu được cơ quan BHXH ủy quyền thu:

  • Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình có: Người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;  Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;  Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.
  • Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (trừ học sinh, sinh viên và người tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng) có:  Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều nhưng không thuộc trường hợp được NSNN đóng BHYT theo quy định; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
  • Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng có: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3.2 Làm bảo bảo hiểm y tế tại doanh nghiệp, đơn vị nơi người lao động công tác

Các đối tượng sau sẽ làm BHYT tại đơn vị, doanh nghiệp nơi người lao động công tác. Sau đó đơn vị, doanh nghiệp sẽ đại diện người lao động làm thủ tục tham gia BHYT cùng với bảo hiểm xã hội.

  • Nhóm do người do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT có: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.
  • Nhóm do ngân sách nhà nước đóng:  Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an.

Thông thường các đối tượng tham gia BHYT tại đơn vị, doanh nghiệp là các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Theo đó, việc tham gia BHYT sẽ được thực hiện cùng với thủ tục tham gia BHXH.

3.3 Làm bảo bảo hiểm y tế tại trường học 

Theo quy định học sinh, sinh viên sẽ làm bảo hiểm y tế tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi các em đang theo học. Nhà trường sẽ đại diện lập danh sách, thu phí và nộp cho cơ quan BHXH. Theo đó, mỗi học sinh, sinh viên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% (học sinh, sinh viên đóng 70%). 

Mức đóng phí BHYT được tính theo mức lương cơ sở (hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng). Học sinh, sinh viên được lựa chọn đóng BHYT định kỳ theo 03 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng.

Từ 01/7/2024 của học sinh, sinh viên như sau:

  • Với mức đóng 3 tháng phí đóng là 315.900 đồng: trong đó học sinh, sinh viên phải đóng 221.130 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 94.770 đồng.
  • Với mức đóng 6 tháng phí đóng là 631.800 đồng: trong đó học sinh, sinh viên phải đóng 442.260 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 189.540 đồng.
  • Với mức đóng 12 tháng phí đóng là 1.263.600 đồng: trong đó học sinh, sinh viên phải đóng 884.520 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 379.080 đồng.

Bảo hiểm y tế mang đến rất nhiều lợi ích hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia. Trên đây Cộng đồng bảo hiểm đã chia sẻ đến bạn những thông tin hướng dẫn về làm bảo hiểm y tế ở đâu? Việc xác định đúng nơi làm bảo hiểm y tế sẽ giúp người tham gia có thể tham gia BHYT nhanh chóng, thuận lợi.

Thu Hương

Xem thêm bài viết cùng tác giả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.