Bảo hiểm y tế (BHYT) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân. Trường hợp người lao động nghỉ việc vẫn có thể tự đóng BHYT cho mình để được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về việc tự đóng BHYT sau khi nghỉ việc, bao gồm quyền lợi, hướng dẫn chi tiết về thủ tục và mức phí đóng.
1. Quyền lợi khi tự đóng BHYT sau khi nghỉ việc
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế 2014 hiện hành nhằm chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội căn cứ theo quy định tại Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật Bảo hiểm y tế năm 2014) gồm có: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động làm việc chuyên trách ở xã phường, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức; người hưởng lương hưu; học sinh, sinh viên; người lao động tự do…
Người lao động nghỉ việc vẫn có thể tự đăng ký tham gia BHYT. Các quyền lợi khi người lao động tự đóng BHYT sau khi nghỉ việc gồm có:
- Hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tại xã, phường, thị trấn, huyện, tỉnh
- Hưởng quyền lợi BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại trung ương.
Việc hưởng quyền lợi này bao gồm cả hình thức khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú, phục hồi chức năng, sinh con… theo Luật bảo hiểm y tế.
2. Thủ tục tự đóng bảo hiểm y tế sau khi nghỉ việc
Sau khi nghỉ việc và chấm dứt tham gia bảo hiểm y tế tại đơn vị, doanh nghiệp mà người lao động đã làm việc, người lao động có thể đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thủ tục tự đóng BHYT theo hộ gia đình như sau:
Bước 1: Đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình
Người lao động có thể đến cơ quan BHXH tại nơi mình cư trú hoặc đại lý thu BHXH (Bưu điện, UBND phường/xã …) tại nơi cư trú để được hướng dẫn đăng ký.
Lưu ý: Khi đến đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình người lao động cần mang theo thẻ căn cước công dân, và chuẩn bị thêm các thông tin tham gia bảo hiểm y tế của các thành viên trong gia đình.
Bước 2: Nộp tiền tham gia BHYT hộ gia đình
Căn cứ theo quy định về Luật Bảo hiểm y tế, cán bộ đăng ký sẽ xác định mức đóng BHYT cho người tham gia. Sau đó người đăng ký tham gia tiến hành nộp tiền BHYT theo quy định.
Bước 3: Nhận thẻ BHYT
Người tham gia BHYT nhận thẻ BHYT mới, hình thức nhận thẻ theo hình thức đăng ký:
- Nhận thẻ BHYT tại cơ sở BHXH nơi đăng ký BHYT
- Nhận thẻ BHYT tại nơi đăng ký
- Nhận thẻ BHYT qua đường bưu điện
Thời gian nhận thẻ BHYT trường hợp cấp mới cho người lao động đăng ký BHYT hộ gia đình không quá 5 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ của người đăng ký tham gia.
Bước 4: Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế
Sau khi đóng BHYT lần đầu khi nộp hồ sơ, các lần nộp sau người tham gia có thể thực hiện gia hạn thẻ BHYT bằng các phương thức sau:
- Gia hạn thẻ BHYT trên cổng dịch vụ công quốc gia
- Bước 1: Truy cập website của Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn
- Bước 2: Chọn “Thanh toán trực tuyến” và “Đóng tiếp BHXH tự nguyện,
gia hạn BHYT”
- Bước 3: Đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia bằng tài khoản cá nhân. Trường hợp chưa có tài khoản thì lựa chọn “Đăng ký” phía dưới và làm theo hướng dẫn để có thể sử dụng tiếp.
- Bước 4: Nhập mã thẻ BHYT, chọn số tháng muốn gia hạn và thực hiện tra cứu.
- Bước 5: Thanh toán (người dùng phải lựa chọn ngân hàng thụ hưởng của cơ quan bảo hiểm xã hội sau đó ấn “Thanh toán”.)
- Bước 6: Gia hạn thành công
Hệ thống sẽ điều hướng quay trở lại giao diện của Cổng dịch vụ công Quốc gia với thông báo “Thanh toán thành công” nếu thanh toán thành công. Khi này Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thời gửi tin nhắn thông báo về thời hạn mới của thẻ BHYT của người đăng ký.
- Gia hạn thẻ BHYT trên phần mềm của Ngân hàng
Người đăng ký có thể thực hiện gia hạn thẻ BHYT thông qua các Ngân hàng thương mại liên kết với cơ quan BHXH triển khai các dịch vụ nộp tiền trực tuyến gồm:
- Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
- Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
- Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)
Phương thức nộp tiền BHYT được triển khai trên phần mềm thiết bị di động và trên website của Ngân hàng. Sau khi thanh toán xong, thẻ BHYT sẽ được tự động gia hạn. Sau đó, BHXH Việt Nam gửi tin nhắn thông báo kết quả đến số điện thoại của người tham gia.
Sau khi thực hiện các giao dịch nêu trên, để kiểm tra kết quả gia hạn thẻ BHYT người tham gia có thể tự tra cứu theo các phương thức sau:
Bước 1: Truy cập vào cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/
Bước 2: Nhắn tin theo cú pháp: BH THE “Mã thẻ BHYT” gửi 8079.
Bước 3: Gọi điện đến tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam để được hỗ trợ.
3. Mức đóng BHYT theo hộ gia đình năm 2024
Mức đóng BHYT hiện hành sẽ phụ thuộc vào số người tham gia BHYT trong hộ gia đình và mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Mức đóng BHYT theo hộ gia đình năm 2024 dự kiến có sự thay đổi từ ngày 1/7/2024 do chính sách xóa bỏ mức lương cơ sở.
3.1 Quy định về mức đóng BHYT
Mức đóng BHYT theo hộ gia đình được tính theo mức lương cơ sở. Cụ thể, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:
Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;
Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (tức 3,15% mức lương cơ sở).
Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (tức 2,7% mức lương cơ sở).
Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (tức 2,25% mức lương cơ sở).
Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (tức 1,8% mức lương cơ sở).
3.2 Mức đóng BHYT theo hộ gia đình năm 2024
- Mức đóng từ 1/1/2024 đến 30/6/2024
Theo quy định về mức đóng BHYT của luật BHYT hiện hành mức đóng BHYT từ 1/1/2024 đến 30/6/2024 khi mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng như sau:
- Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng; 972.000 đồng/năm
- Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng; 680.400 đồng/năm
- Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng; 583.200 đồng/năm
- Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng; 486.000 đồng/năm
- Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng; 388.800 đồng/năm.
- Mức đóng từ 1/7/2024 đến 31/12/2024
Do quy định về xóa bỏ mức lương cơ sở nên việc tính mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ chờ văn bản hướng dẫn cụ thể.
4. Lưu ý khi tự đóng BHYT sau khi nghỉ việc
Để đảm bảo lợi ích về chế độ BHYT cho người lao động sau nghỉ việc cần lưu ý một số điều sau:
- Đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình ngay sau khi nghỉ việc để đảm bảo BHYT hộ gia đình có hiệu lực ngay sau khi BHYT theo diện người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng hết hiệu lực.
- Đóng liên tục BHYT (đối với người lao động chưa tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) đảm bảo sớm đạt đủ tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục để hưởng mức hưởng BHYT cao hơn.
- Gia hạn BHYT trước khi hết hạn thẻ, lưu ý nên gia hạn thẻ trực tiếp hoặc thông qua cổng dịch vụ công để được tính ưu đãi giảm tiền đóng.
- Nếu bạn không nộp phí BHYT liên tục sau 3 tháng, bạn sẽ bị tạm dừng hưởng quyền lợi BHYT.
Tự đóng bảo hiểm y tế sau khi nghỉ việc là một giải pháp để đảm bảo lợi ích về chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia, theo đó đảm bảo được chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình một cách tốt nhất. Người lao động có thể tham gia BHYT hộ gia đình bất cứ lúc nào và có thể hủy khi không còn nhu cầu tham gia. Cộng đồng bảo hiểm hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về việc tự đóng BHYT sau khi nghỉ việc.
Thu Hương
Có thể bạn quan tâm!