Người lao động nghỉ việc bao lâu thì bị cắt bảo hiểm y tế? Để đảm bảo cho việc hưởng lợi ích từ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, người lao động cần lưu ý giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của mình trong trường hợp nghỉ việc.
1. Bảo hiểm y tế là gì? Lợi ích từ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện (Quy định tại.
Người tham gia bảo hiểm y sẽ được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật bảo hiểm y tế. Cụ thể:
- Khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến: người tham gia được hỗ trợ từ 80% đến 100% chi phí chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT.
- Trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến: người tham gia được hỗ trợ từ 40% đến 100% chi phí chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT.
Bên cạnh lợi ích được hỗ trợ tiền khám chữa bệnh, giảm đi gánh nặng về chi phí điều trị người tham gia BHYT còn được nhận các dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn. Đối với cộng đồng, tham gia bảo hiểm y tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế được tệ nạn xã hội trong cộng đồng.
2. Giải đáp nghỉ việc bao lâu thì bị cắt bảo hiểm y tế
Nghỉ việc bao lâu thì bị cắt bảo hiểm y tế? Trên thực tế nhiều trường hợp vì không nắm được điều này do đó khi đi khám chữa bệnh đã không được thanh toán bảo hiểm y tế.
Căn cứ theo Điểm 2.1, Khoản 2, Công văn 3881/BHXH-ST năm 2016 về cập nhật, tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế quy định như sau:
“2. Quy trình cập nhật và tra cứu thông tin về thẻ BHYT
2.1. Đối với đơn vị sử dụng lao động cùng tham gia BHXH, BHYT (viết tắt là đơn vị).
Khi có phát sinh tăng, giảm người tham gia BHYT, đơn vị phải kịp thời lập danh sách tăng, giảm gửi cơ quan BHXH theo mẫu quy định tại Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó”.
Theo quy định trên, khi người lao động nghỉ việc tại đơn vị, doanh nghiệp thì đơn vị, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục báo giảm lao động gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội tại tháng người lao động nghỉ việc. Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ có giá trị sử dụng đến hết tháng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện báo giảm lao động.
Lưu ý: Trường hợp, báo giảm chậm so với thời gian người lao động nghỉ việc, thì đơn vị, doanh nghiệp phải đóng BHYT cho người lao động cho đến thời điểm tháng báo muộn.
Như vậy, người lao động nghỉ việc sẽ bị cắt bảo hiểm tại tháng tiếp theo người lao động nghỉ việc. Khi này để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế người lao động cần đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình).
3. Thủ tục đăng ký bảo hiểm y tế hộ gia đình
Người lao động sau khi nghỉ việc có thể đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Việc đăng ký bảo hiểm y tế sớm sẽ đảm bảo tính liên tục khi tham gia BHYT, giúp người lao động có thời gian đủ 5 năm tham gia liên tục và được tăng quyền lợi hưởng.
Thủ tục đăng ký bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau:
Bước 1: Kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai tham gia BHYT.
Người lao động điền đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân vào Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú hoặc Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.
Người lao động khi nộp hồ sơ lưu ý xuất trình căn cước công dân, chứng minh nhân dân bản gốc để đối chiếu thông tin.
Bước 3: Đóng tiền tham gia BHYT.
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký, người đăng ký đóng tiền tham gia BHYT theo đúng quy định và nhận giấy hẹn trả kết quả. Trường hợp hộ gia đình có nhiều người tham gia sẽ được hỗ trợ mức đóng như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bước 4: Nhận thẻ BHYT.
Sau khi hoàn tất thủ tục, cơ quan BHXH sẽ gửi giấy hẹn trả kết quả cho người đăng ký. Thời gian trả thẻ BHYT không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định. Người lao động căn cứ ngày ghi trên giấy hẹn, người dân đến đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi đã nộp hồ sơ để nhận thẻ BHYT.
Hiểu rõ nghỉ việc bao lâu thì bị cắt bảo hiểm y tế sẽ giúp người lao động chủ động hơn trong việc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo đó được hưởng các lợi ích từ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, giảm đi gánh nặng về tiền bạc.
Trên đây là những chia sẻ từ Cộng đồng bảo hiểm về thời hạn cắt chế độ BHYT sau khi nghỉ việc của người lao động. Nếu bạn có những câu hỏi khác cần được giải đáp bạn có thể để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận của bài viết để được hỗ trợ tốt nhất.
Thu Hương
Có thể bạn quan tâm!
- Mẫu giấy chuyển tuyến theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP
- 03 cách tra cứu bảo hiểm y tế trên điện thoại phổ biến nhất
- Làm bảo hiểm y tế ở đâu? Hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng
- Mua bảo hiểm y tế bao lâu thì có thẻ BHYT?
- Bảo hiểm sức khỏe là gì? 3 điều bạn nên biết
- Hướng dẫn cách tra cứu giá trị thẻ bảo hiểm y tế tiện lợi