Người tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?

Người lao động tự do sẽ có nhiều lợi ích hơn khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 01/07/2025. Theo đó, thông tin mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu và chuẩn bị hồ sơ thủ tục như thế nào được đặc biệt quan tâm. 

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Đối tượng của BHXH tự nguyện

Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ 01/07/2025) nêu rõ: 

“Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.”

Hiện nay, người lao động có thể tham gia BHXH dưới 2 hình thức là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó:

  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc: là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.
  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện: được hiểu là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm:

  • Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.
  • Đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên hoặc là cán bộ, công chức, viên chức đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.

2. Mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?

Mua BHXH tự nguyện trở thành nhu cầu lớn của nhiều người lao động. Tuy nhiên mua BHXH tự nguyện ở đâu thì không phải ai cũng nắm rõ. 

2.1 Điểm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện 

Căn cứ theo Điểm d, Tiết 1.1, Khoản 1, Điều 3, Quyết định 595/QĐ-BHXH thì người dân có thể mua BHXH tại các địa điểm sau:

  • Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc nơi thường trú): Đây là nơi trực tiếp quản lý và thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội, bao gồm cả bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người tham gia có thể đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn và thực hiện các thủ tục đăng ký.
  • Các đại lý thu: đại lý thu là các tổ chức, cá nhân được ủy quyền thu phí bảo hiểm xã hội. 

Người dân có thể tìm hiểu thông tin về các cơ sở BHXH cấp huyện, các đại lý thu tại địa phương qua các kênh thông tin của cơ quan bảo hiểm xã hội.

2.2 Hình thức đăng ký BHXH tự nguyện

Người dân có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện qua 2 hình thức;

  • Đăng ký trực tiếp: Người dân đến tại trụ sở BHXH cấp huyện hoặc tại các đại lý thu để đăng ký, làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.
  • Đăng ký trực tuyến: Hiện người dân có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hướng dẫn làm thủ tục mua BHXH tự nguyện

3. Hồ sơ và thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Sau khi xác định được điểm mua BHXH tự nguyện, người tham gia cần chuẩn bị hồ sơ và thủ tục đăng ký BHXH theo quy định.

3.1 Hồ sơ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Hồ sơ đăng ký BHXH tự nguyện gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS mới nhất.

Thẻ căn cước/CCCD (thẻ cứng hoặc thẻ điện tử) dùng để xuất trình đối chiếu thông tin đăng ký.

Hồ sơ nếu được nộp thông qua tổ chức dịch vụ thu, hồ sơ sau đó sẽ được tổng hợp và lập danh sách người tham gia BHXH tự nguyện theo mẫu D05-TS, tổ chức dịch vụ thu điền đầy đủ thông tin trước khi gửi đến cơ quan BHXH để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho người đăng ký tham gia theo quy định.

3.2 Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện

Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và hình thức tham gia BHXH mà người tham gia lựa chọn.

  1. Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH

Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện khi đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH gồm các bước sau:

  • Bước 1. Người tham gia kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp tại Bộ phận một cửa cơ quan BHXH.
  • Bước 2. Đóng tiền.
  • Bước 3. Nhận kết quả giải quyết từ cơ quan BHXH.
  1. Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu
  • Bước 1. Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho Đại lý thu.
  • Bước 2. Đóng tiền.
  • Bước 3. Đại lý thu lập Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS) và Tờ khai Mẫu TK1-TS của người tham gia nộp cho cơ quan BHXH.
  • Bước 4. Nhận kết quả giải quyết tại Đại lý thu.
  1. Trường hợp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện theo hình thức trực tuyến

Trường hợp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện theo hình thức trực tuyến chỉ áp dụng cho người tham gia đã đăng ký tài khoản BHXH điện tử cá nhân. Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện trực tuyến như sau:

Bước 1: Truy cập cổng dịch vụ công  của BHXH Việt Nam tại địa chỉ trang web: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/ 

Bước 2: Đăng nhập tài khoản BHXH điện tử cá nhân

Bước 3: Chọn chức năng “Đóng BHXH điện tử” và sau đó chọn “Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện”

Bước 4: Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) điện tử

Bước 5: Xác nhận thông tin và thực hiện thanh toán nộp tiền BHXH trực tuyến

Bước 6: Nhận kết quả trả về từ cơ quan BHXH thông qua tài khoản đăng ký, email.

Trên đây là thông tin về mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu, hồ sơ và thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Trường hợp chưa rõ hoặc có vướng mắc, người tham gia có thể liên hệ trực tiếp đến cơ quan BHXH nơi mình làm thủ tục đăng ký để được hướng dẫn.

Nếu bạn cần hỗ trợ xin vui lòng liên hệ cơ quan BHXH gần nhất hoặc các đại lý thu/tổ chức dịch vụ thu để được giúp đỡ. Bạn cũng có thể lại câu hỏi dưới phần bình luận của bài viết này để được Cộng đồng bảo hiểm EBH hỗ trợ.

Xem thêm bài viết cùng chủ đề!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *