Lao động nữ đi làm lại sau khi nghỉ thai sản, được hưởng chế độ đặc biệt nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Dưới đây là thông tin chi tiết về chế độ thai sản sau khi đi làm lại và những lưu ý cần nắm được.
1. Chế độ thai sản sau khi đi làm lại sau thai sản
Người lao động sinh con khi đi làm lại được nhận những đãi ngộ đặc biệt. Các chế độ này có thể được hưởng theo quy định chung của Bộ luật lao động cũng có thể được hưởng theo quy định của từng đơn vị, doanh nghiệp.
Dưới đây là hững quyền lợi người lao động có thể được nhận sau khi đi làm lại:
- Giảm giờ làm
Sau khi đi làm lại người mẹ có con nhỏ sẽ được hưởng chế độ thai sản dành cho mẹ có con dưới 1 tuổi. Theo đó, người mẹ được giảm giờ làm cụ thể như sau:
Giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn (theo Khoản 2, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019).
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động (theo Khoản 4, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019).
Ngoài ra, sau khi đi làm lại lao động nữ có con dưới 12 tháng tuổi có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của mình.
- Nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản đi làm lại, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày (theo quy định tại Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Nghỉ chăm con ốm
Lao động nữ đóng BHXH bắt buộc có con bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/mỗi con nếu con dưới 03 tuổi và tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi (theo Điều 27, Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Thời gian nghỉ tính hưởng không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
2. Lưu ý đối với mẹ nuôi con nhỏ sau khi đi làm lại
Đa số các chế độ thai sản tập trung khi mẹ mang thai và nuôi con dưới 6 tháng tuổi, do đó mẹ có con nhỏ cần lưu ý nắm được các quyền lợi của mình trong suốt quá trình mang thai và nuôi con nhỏ.
Dưới đây là một vài lưu ý cho mẹ nuôi con nhỏ khi đi làm lại:.
- Thông báo cho người sử dụng lao động: Người lao động cần thông báo cho người sử dụng lao động về việc đi làm lại sau thai sản ít nhất 15 ngày trước khi đi làm.
- Cung cấp giấy tờ chứng minh: Người lao động cần cung cấp các giấy tờ chứng minh việc sinh con, nuôi con cho người sử dụng lao động.
- Tuân thủ nội quy, quy định của công ty: Người lao động cần tuân thủ nội quy, quy định của công ty về giờ làm việc, nghỉ phép.
- Trường hợp nuôi con nhỏ, có các lý do đặc biệt cần thỏa thuận với người sử dụng lao động về các chế độ.
Trên đây là thông tin về chế độ thai sản sau khi đi làm lại đối với phụ nữ sinh con. Hiểu rõ về chế độ thai sản sẽ giúp người lao động nữ bảo vệ quyền lợi của bản thân và con mình. Các quy định về chế độ thai sản có thể thay đổi tùy theo từng doanh nghiệp, người lao động cần tham khảo kỹ nội quy, quy định của công ty để biết chính xác quyền lợi của mình.
Cộng đồng bảo hiểm hy vọng rằng những chia sẻ trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.
Thu Hương
Bài viết cùng tác giả!